xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Dùng 1 thẻ, thanh toán đủ loại tàu xe công cộng

Bài và ảnh: SỸ ĐÔNG

TP HCM dự tính thanh toán tự động trong giao thông công cộng, từ xe buýt, buýt nhanh, buýt đường sông đến metro

Ngày 21-9, Sở Giao thông Vận tải TP HCM đã tổ chức hội thảo "Thanh toán thẻ không tiếp xúc trong giao thông công cộng (GTCC)" để tham khảo cách thức thực hiện từ các TP trên thế giới và định hướng cách làm ở TP trong thời gian tới.

Tốn cả trăm tỉ đồng để in vé

Ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý GTCC TP, cho biết mỗi ngày có khoảng 20.000 chuyến xe buýt lưu thông trên đường (bao gồm cả trợ giá và không trợ giá), vận chuyển khoảng 1 triệu hành khách. Hiện nay, toàn bộ việc thanh toán tiền vé đi xe buýt hoàn toàn thủ công. Hình thức xé vé trả tiền trực tiếp chiếm 86%, còn lại 14% hành khách mua vé tập theo tháng. Theo ước tính sơ bộ, cộng cả chi phí in vé và quản lý phát hành hơn 200 đồng/vé thì mỗi năm tốn hơn 100 tỉ đồng tiền vé. Chưa kể, do chỉ có các mệnh giá cố định nên chính sách về giá vé không được linh hoạt, không thể phân chia theo giờ, đối tượng ưu tiên. Mặt khác, do bán vé thủ công nên không thể thống kê, phân tích dữ liệu người đi xe buýt để xây dựng các luồng tuyến, biểu đồ phù hợp, khai thác hiệu quả.

Trong khi đó, đại diện Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP cho biết do đặc thù đường sắt đô thị được đầu tư từ nhiều nguồn vốn khác nhau nên công nghệ thu phí cũng bị ràng buộc theo nhà tài trợ. Theo quy hoạch, TP sẽ có 8 tuyến metro kết nối nội đô với ngoại đô, 3 tuyến tramway (xe điện mặt đất) và monorail (tàu điện một ray) chưa kể xe buýt nhanh (BRT) và xe buýt. Điều đáng nói, mỗi tuyến, mỗi loại hình lại sử dụng công nghệ thanh toán khác nhau nên hành khách cần phải có nhiều thẻ và phải nạp rất nhiều tiền để sử dụng từng loại phương tiện công cộng. Do đó, TP cần phải tính đến chuyện chỉ cần 1 thẻ nhưng có thể đi được nhiều tuyến để thuận tiện cho người dân. Tuy nhiên, việc tích hợp thẻ hiện gặp nhiều khó khăn như định dạng dữ liệu, kết nối máy chủ; cơ cấu giá vé chưa thống nhất, xe buýt thu đồng giá còn tàu điện ngầm thu theo khoảng cách…

Ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở GTVT TP HCM, cho biết TP định hướng đến năm 2020 có khoảng 15% - 20% người dân đi lại bằng GTCC, tương đương với 1,5 - 2 triệu lượt hành khách. Theo đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng và kiểm soát phương tiện giao thông cá nhân thì đến năm 2030 tập trung phát triển các tuyến metro số 1, 2 và BRT. Cùng với đó là các giải pháp hạn chế xe cá nhân như đề xuất hạn chế số lượng ôtô cá nhân đăng ký mới, thiết lập vành đai hạn chế xe cá nhân ngoại tỉnh vào TP, hạn chế xe gắn máy theo từng khu vực,… Do đó, việc phát triển GTCC là yêu cầu tất yếu của TP và phải làm sao để cho người dân thuận tiện trong việc sử dụng nhất.

Dùng 1 thẻ, thanh toán đủ loại tàu xe công cộng - Ảnh 1.

Từ năm 2020 sẽ có metro, hiện 5/11 nhà ga trên cao tuyến metro số 1 đã lắp mái vòm hoàn thiện. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Đi từng bước thận trọng

Ông Lâm cho biết ngoài việc phát triển luồng tuyến, nâng chất lượng phương tiện, xe đạp công cộng để kết nối thì giải pháp thanh toán bằng vé thông minh là một việc cần triển khai, áp dụng trước năm 2020. Từ 2020 sẽ có metro, BRT nên việc tích hợp các loại vé này vào thành một hệ thống vé sử dụng chung kết hợp với mua sắm, thanh toán điện tử thì người dân sẽ thuận lợi hơn. Cũng từ đó, việc quản lý hành vi đi lại, ngân sách, chính sách vé sẽ thuận tiện, minh bạch hơn. TP cũng đã giao trong năm 2018 phải đề xuất triển khai ngay vé điện tử, có thể là một dự án thí điểm làm ngay để thuận tiện cho người dân và quản lý ngân sách minh bạch, chặt chẽ.

Ông Manoj Sugathan, Giám đốc phụ trách Chương trình thẻ chip, thanh toán không chạm và giao thông trung chuyển thuộc Tập đoàn Visa, cho rằng con người đang hướng đến đô thị nhiều hơn, di chuyển nhiều hơn và các phương tiện công cộng đóng vai trò chủ đạo. Do đó, ngành GTCC TP nên áp dụng chuẩn mở EMV (do 3 tổ chức là Mastercard, Visa và Europay phát triển) trong thanh toán điện tử ở các loại hình như xe buýt, BRT hay metro. Với loại thẻ này, hành khách có thể sử dụng để thanh toán tiền vé lẫn các hoạt đồng mua sắm và thanh toán điện tử khác.

Trong khi đó, đại diện đến từ Hàn Quốc cho biết trước đây ngành GTCC của TP Seoul sử dụng nhiều loại thẻ cho metro, xe buýt nên người dân có nhiều loại thẻ. TP phải mất 8 năm mới dồn lại 1 thẻ đi các loại phương tiện. Nguyên nhân không phải vì công nghệ mà do các cơ quan quản lý không phối hợp chặt chẽ. Đến nay, GTCC ở TP Seoul đã chấp nhận thẻ Visa nội địa ở Hàn Quốc cho người đi xe buýt hoặc xe điện. TP HCM nên xác định thời gian và cách thức làm, đi từng bước thận trọng để chọn giải pháp phù hợp với điều kiện của TP. 

Cần có lộ trình

Ông Trần Chí Trung cho rằng để thay đổi thói quen của hành khách sang thanh toán điện tử, phải làm cho người có thẻ nhận thấy được những tiện ích mà thẻ mang lại. Về góc độ quản lý nhà nước, cần có chính sách đưa ra lộ trình bắt buộc sử dụng thanh toán điện tử, kết thúc sử dụng vé giấy. Sắp tới, Trung tâm sẽ thuê đơn vị tư vấn xây dựng giá vé linh hoạt, người dân được hưởng lợi nhiều hơn, có thể thanh toán điện tử rẻ hơn vé giấy.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo