25/10/2022 05:13

Đôi điều về dự thảo thông tư liên quan CSGT

Bộ Công an vừa công bố dự thảo (lần 2) Thông tư quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung, quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của CSGT (viết tắt là dự thảo thông tư) để lấy ý kiến.

Theo đó, tại khoản 2 điều 17 dự thảo thông tư quy định: "Khi phương tiện giao thông cần kiểm soát đã dừng đúng vị trí theo hướng dẫn, CSGT được phân công làm nhiệm vụ kiểm soát đứng ở vị trí phù hợp, an toàn, thực hiện động tác chào theo Điều lệnh Công an nhân dân (trừ trường hợp biết người đó thực hiện hành vi có dấu hiệu của tội phạm, phạm tội quả tang, đang có lệnh truy nã, có hành vi thiếu văn hóa, cản trở, chống đối việc kiểm tra, kiểm soát)".

So với khoản 2 điều 18 Thông tư 65/2020/TT-BCA đang được áp dụng thì dự thảo thông tư đã bỏ phần yêu cầu CSGT phải thực hiện chào bằng lời nói: "Chào ông, bà, anh, chị..." (trừ trường hợp biết trước người đó thực hiện hành vi có dấu hiệu của tội phạm, phạm tội quả tang, đang có lệnh truy nã), sau đó nói lời: "Yêu cầu ông, bà, anh, chị... cho chúng tôi kiểm soát các giấy tờ có liên quan và kiểm soát phương tiện giao thông".

Việc lược bỏ phần yêu cầu CSGT phải thực hiện chào bằng lời nói, thiết nghĩ là chưa phù hợp. Vì đây là quy trình giao tiếp giữa CSGT với người tham gia giao thông trong quá trình tuần tra, kiểm soát giao thông, bỏ đi phần này có thể dẫn đến sự tùy tiện trong giao tiếp, phát ngôn của chiến sĩ CSGT khi thực hiện nhiệm vụ. 

Hơn nữa, CSGT thực hiện động tác chào bằng lời nói thể hiện sự chuẩn mực trong mối quan hệ giao tiếp giữa người thực thi công vụ và người tham gia giao thông. Khi đã tạo ra sự thân thiện thì không khí làm việc sẽ vui vẻ, không căng thẳng, hạn chế thấp nhất sự chống đối, cản trở người thi hành công vụ.

Dự thảo thông tư bổ sung thêm trường hợp CSGT không thực hiện chào theo Điều lệnh Công an nhân dân đối với trường hợp người có hành vi thiếu văn hóa, cản trở, chống đối việc kiểm tra, kiểm soát. Điều này là cần thiết và phù hợp với thực tiễn. Với những trường hợp thiếu văn hóa, cản trở, chống đối, lăng mạ, xúc phạm CSGT, cần phải áp dụng ngay các biện pháp nghiệp vụ cần thiết để xử lý, trấn áp.

Về đề xuất lực lượng CSGT được bố trí cán bộ mặc thường phục dùng thiết bị nghiệp vụ giám sát tình hình giao thông, khi phát hiện người vi phạm, CSGT mặc thường phục báo ngay cho lực lượng kiểm soát công khai mặc trang phục công an, đeo số hiệu để xử lý. 

Quy định này là cần thiết để xử lý những người tham gia giao thông có hành vi đối phó, tức là khi gặp CSGT thì chấp hành nhưng không có CSGT thì vi phạm. Tuy nhiên, cũng cần quy định cụ thể như cán bộ mặc thường phục dùng thiết bị nghiệp vụ giám sát tình hình giao thông phải tuân theo chương trình, kế hoạch cụ thể; phải thực hiện theo đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và không được trực tiếp xử lý vi phạm giao thông. 

Quy trình này phải công khai để người tham gia giao thông được biết, tránh tình trạng lạm quyền cũng như việc kẻ xấu lợi dụng quy định để lừa gạt, tống tiền hoặc cưỡng đoạt tài sản của người tham gia giao thông.

Đỗ Văn Nhân

Tin liên quan

Viết bình luận

Phân cấp quản lý để xây dựng chính quyền đô thị
10/6/2023 548 1k
Việc phân cấp rõ ràng giữa chính quyền trung ương với địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương sẽ phát huy được quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tính năng động, sáng tạo
Cơ quan chức năng ở đâu khi Thảo "lụi" lộng hành?
9/6/2023 548 1k
Suốt thời gian dài, nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã gửi đơn tố cáo Thảo "lụi" và đàn em đến nhiều cấp nhưng sự việc vẫn chìm vào im lặng
Vì một thành phố phát triển bền vững, toàn diện
9/6/2023 548 1k
TP HCM cần tiếp tục tăng cường sự đồng bộ, hiệu quả của các cơ chế, chính sách; tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong quá trình định hướng, thực hiện các hoạt động phát triển bền vững
Lắng nghe người dân hiến kế: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
8/6/2023 548 1k
Để phát triển trong giai đoạn mới, nguồn nhân lực của TP HCM cần đa dạng, được đào tạo bài bản
Phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu

Phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu

Với công tác cải cách hành chính, người đứng đầu được xem là "người lái tàu để đưa đoàn tàu tới đích" nên có vai trò định hướng quan trọng, quyết định đến chiều hướng phát triển, kết quả hoạt...