xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Doanh nghiệp phớt lờ lệnh chính quyền

Bài và ảnh: Cao Nguyên

Chính quyền xã, huyện thuyết phục công ty quản lý hồ thủy lợi xả nước nhằm giảm thiệt hại cho người dân nhưng đơn vị này nhất quyết không làm

Ngày 18-12, ông Y Suôn Byă, Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk, cho biết đã báo cáo UBND tỉnh Đắk Lắk xin ý kiến chỉ đạo xử lý về việc hồ thủy lợi A2 - do Công ty TNHH MTV Cà phê 719 thuộc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam quản lý - tích nước làm ngập nhà cửa, cây trồng của người dân.

Cô lập nhà cửa, hư hại cây trồng

Theo phản ánh của người dân, từ ngày 4-11, nước từ hồ thủy lợi A2 bắt đầu dâng cao gây ngập nhà cửa và nhiều diện tích cây trồng lâu năm ở 2 thôn 3, 14 của xã Ea Kly, huyện Krông Pắk. Sự việc được báo lên UBND xã và huyện nhưng đến nay, chưa thấy đơn vị quản lý hồ A2 xả nước.

Anh Cấn Vương Thành (ngụ thôn 14) cho biết 3 sào chanh dây giống Đài Loan, hơn 100 cây vải thiều và nhiều cây trồng khác của gia đình bị ngập sâu trong nước hơn 1 tháng qua nên chết sạch, thiệt hại lên đến hàng trăm triệu đồng. “Nền nhà là nơi cao nhất mà cũng có nhiều thời điểm ngập trong nước, còn khu vực vườn cây ngập từ 40 cm đến hơn 1 m” - anh Thành bức xúc.

Hộ ông Trần Minh Hùng có 6 sào trồng cà phê và xen canh hơn 600 cây để làm trụ tiêu cũng ngập sâu trong nước, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. “Gia đình tôi canh tác từ trước khi hồ thủy lợi A2 xây dựng. Toàn bộ diện tích này đã được chính quyền cấp sổ đỏ. Khu này chưa bao giờ bị ngập nhưng giờ nước ngập sâu trung bình khoảng 70 cm. Chúng tôi đã nhiều lần cầu cứu chính quyền xã, huyện nhưng không thấy Công ty TNHH MTV Cà phê 719 có động tĩnh gì” - ông Hùng lo lắng.

Cạnh đó, căn nhà tình nghĩa do cán bộ, công chức huyện Krông Pắk xây dựng năm 2004 cho bà Nguyễn Thị Tiêu (87 tuổi) cũng đóng cửa vì nước bao quanh nhà. Bà Tiêu mấy ngày nay phải lên chùa tá túc.

Toàn bộ diện tích cây trồng của gia đình anh Cấn Vương Thành ngập sâu trong nước
Toàn bộ diện tích cây trồng của gia đình anh Cấn Vương Thành ngập sâu trong nước

Mong chục năm mới được!

UBND xã Ea Kly cho biết qua kiểm tra, những nơi bị ngập có nhiều hộ đã được chính quyền cấp sổ đỏ. Xã đã làm việc với Công ty TNHH MTV Cà phê 719 đề nghị xả nước hồ A2 nhưng đơn vị này trả lời hiện mực nước vẫn ở mức cho phép nên không xả. “Hiện hồ A2 không còn chức năng tưới tiêu vì hệ thống mương thủy lợi của đập Krông Búk Hạ (công trình có số vốn hơn 3.000 tỉ đồng - PV) đã “phủ sóng” toàn bộ khu vực” - ông Nguyễn Hải Sâm, Chủ tịch UBND xã Ea Kly, khẳng định.

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Pắk, kiểm tra thực tế và làm việc với các đơn vị liên quan cho thấy mực nước này tương ứng vị trí cách đỉnh tràn thực tế (tràn có 2 cửa chắn rác) khoảng 1,2 m. Ngưỡng tràn xả lũ đã bị thay đổi so với ban đầu. Bên cạnh đó, khi lồng ghép tờ bản đồ của công ty với ảnh vệ tinh thì thể hiện rất rõ phần diện tích của người dân bị ngập nằm ngoài diện tích của công ty được UBND tỉnh Đắk Lắk cho thuê.

Trước tình hình này, UBND huyện Krông Pắk đã có văn bản đề nghị trong khi chờ kết quả đo đạc, cắm mốc ranh giới, Công ty TNHH MTV Cà phê 719 mở cống hạ thấp mực nước để giảm thiệt hại cho người dân nhưng đơn vị vẫn phớt lờ. Tiếp đó, trong 2 ngày 10 và 11-12, dù là thứ bảy và chủ nhật nhưng chủ tịch UBND huyện, bí thư Huyện ủy Krông Pắk vẫn trực tiếp xuống kiểm tra, đề nghị công ty hạ thấp mực nước song cũng bất thành.

Trong khi đó, ông Nguyễn Duy Tuân, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê 719, khẳng định phần ngập là đất lòng hồ của đơn vị bị người dân xâm chiếm trái phép. Ông Tuân cũng cho rằng hồ A2 này không còn dùng để tưới nước cho cây trồng vì có hệ thống thủy lợi.

Về lý do tích nước không phải vì nhu cầu cấp thiết nhưng vẫn không xả theo đề nghị của huyện để ổn định tình hình dân cư, ông Tuân thản nhiên: “Cãi nhau chuyện đất đai xung quanh lòng hồ này cứ lằng nhằng. Ông giám đốc từ năm 2005 đã mong khi nào mưa một trận, không thì Krông Búk (tức đập thủy lợi Krông Búk Hạ - PV) nó (xả) về bằng (đỉnh) tràn thì biết (đất) của anh nào ngay. Mong cả chục năm rồi mới được”!

Công ty phải bồi thường cho dân

Theo ông Nguyễn Duy Tuân, sau khi cắm mốc, nếu đất là của người dân, công ty sẽ bồi thường thiệt hại. Ngược lại, nếu đất của công ty mà người dân xâm chiếm thì họ phải tự chịu.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Hưng, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Krông Pắk, cho rằng nếu đất của công ty nhưng buông lỏng quản lý, để người dân canh tác hàng chục năm thì vẫn là lỗi của đơn vị này. Do đó, công ty phải bồi thường, hỗ trợ tài sản cho người dân.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo