xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Có được phép nuôi chó, mèo ở chung cư?

Phạm Dũng - Ý Linh

Theo các quy định hiện hành, thú nuôi là chó, mèo không thuộc danh mục gia súc, gia cầm. Do đó, việc nuôi chó, mèo trong nhà chung cư không thuộc hành vi bị cấm theo quy định

Sau bài viết "Bị cắt nước sinh hoạt vì... nuôi thú cưng" (Báo Người Lao Động ngày 2-3), đã có nhiều ý kiến tranh luận xung quanh việc có nên cho phép nuôi chó, mèo ở chung cư hay không.

Làm phiền hàng xóm

Theo bạn đọc Lê Thị Mai, yêu mến thú cưng là chuyện thường nhưng nuôi thú cưng ở chung cư chính là tội quấy rối hàng xóm vì gây tiếng ồn, dù chỉ là nuôi một con chó.

Sinh sống ở một chung cư tại quận 12 (TP HCM), bạn đọc Hạnh Nguyên cho biết dù ban quản lý có quy định không được dẫn chó, mèo đi chung thang máy với cư dân nhưng một số người vẫn vô tư dẫn chó vào thang máy không rọ miệng, có khi chó còn đi vệ sinh trong thang máy gây khó chịu cho người đi cùng.

Tương tự, bạn đọc Dinhdinhphung cũng cho rằng nhiều người nói giữ vệ sinh cẩn thận, không để chó cắn người... nhưng suốt ngày sủa inh ỏi, lông chó bay lung tung, hàng xóm phải chịu đựng hết ngày này qua ngày khác.

Có được phép nuôi chó, mèo ở chung cư? - Ảnh 1.

Nuôi chó, mèo ở chung cư luôn là vấn đề gây tranh cãi giữa các nhóm cư dân Ảnh: KỲ NAM

Nhắc đến việc nuôi chó, mèo ở chung cư, bạn đọc Nguyễn Tân ngụ tại một chung cư ở quận 8 bức xúc: "Con tôi rất mẫn cảm, suốt ngày khó thở, khò khè vì bị dị ứng lông chó, mèo, phải đi bệnh viện thường xuyên. Chưa kể, cháu ra hành lang chơi bị chó liếm da cũng bị dị ứng, đỏ da. Nói chung, người ta nuôi chó mình không can thiệp nhưng bị ảnh hưởng rất mệt mỏi".

Thừa nhận việc nuôi thú cưng là sở thích cá nhân, bản thân cũng đang nuôi một chú chó dòng Poodle, tuy nhiên bạn đọc Trần Thị Kiều Mi (ngụ chung cư Saigon Gateway, phường Hiệp Phú, TP Thủ Đức) lưu ý việc nuôi thú cưng rất dễ gây ra những xích mích không hồi kết ở các chung cư. Vì vậy, trước khi quyết định nuôi, phải kiểm tra kỹ thông tin xem chung cư đang ở có cho nuôi thú cưng hay không. "Đặc biệt, cần cân nhắc kỹ đến việc có bảo đảm được thời gian chăm sóc không. Vì nếu thường xuyên để chúng ở nhà một mình dễ dẫn đến tình trạng stress, sủa inh ỏi, làm ảnh hưởng đến hàng xóm hoặc phóng uế là điều khó tránh khỏi".

Kết lại, bạn đọc NHQ dứt khoát: "Vì vài người nuôi chó nhưng gây ảnh hưởng đến hàng trăm hộ còn lại. Cần cấm triệt để không cho nuôi nhốt vật nuôi ở chung cư".

Ủng hộ nhưng phải bảo đảm an toàn, vệ sinh

Bàn về câu chuyện bị cắt nước sinh hoạt vì nuôi thú cưng, bạn đọc Trương Thị Anh Trâm nêu ý kiến: "Cư dân nuôi chó rất ý thức, không thả rông, không tiểu tiện hành lang, ra ngoài cài dây và cho vào túi xách, đi thang máy vận hành hàng hóa, chó không sủa, không gây mất trật tự, hàng xóm sát bên không phàn nàn... Thiết nghĩ không nên gay gắt, khó khăn làm gì khi chủ nuôi có ý thức. Ban quản lý nên xem xét lại, cắt nước là sai quá rồi".

Là một người thích nuôi, cứu hộ chó, mèo bị bỏ rơi, chị Ngọc Anh (ngụ quận 6) nói: "Mấy con chó, mèo rất sạch sẽ chứ có gì đâu mà mọi người phải khó chịu này nọ. Có nuôi nó mới biết nó yêu thương mình ra sao".

Còn chị Lê Thị Hồng Loan (ngụ chung cư Cửu Long, phường 13, quận Bình Thạnh) cho rằng có một điều mà ít người để ý là việc nuôi thú cưng - trong đó có chó, mèo - hiện không còn phải lo lắng quá nhiều việc mất vệ sinh vì có rất nhiều cách để giảm rụng lông, giúp chó, mèo đi vệ sinh đúng chỗ, không gây mùi hôi.

"Chó, mèo có thể chữa lành vết thương tinh thần, sự cô đơn cho người già, người neo đơn, người bị trầm cảm... Tôi ủng hộ việc cho phép nuôi thú cưng trong chung cư nhưng người nuôi phải có ý thức gìn giữ vệ sinh môi trường, an toàn cho hàng xóm" - chị Loan nói.

Theo luật sư Lưu Tấn Anh Toàn (Giám đốc Công ty Luật Lưu Vũ), việc nuôi chó, mèo trong chung cư luôn là vấn đề gây tranh cãi giữa các nhóm cư dân. "Bao giờ cũng vậy, sở thích của người này nhưng là nỗi ám ảnh của người khác. Cho nên, các chung cư cần có quy định cụ thể bằng việc thông qua tại hội nghị nhà chung cư. Từ đó mà có cách hành xử cho hợp lý" - luật sư Toàn nói.

Về các quy định hiện hành, khoản 3 điều 35 Nghị định 99/2015/NĐ-CP có quy định hành vi chăn, thả gia súc, gia cầm trong khu vực nhà chung cư là một trong các hành vi bị nghiêm cấm. Về khái niệm gia súc, theo khoản 6, 7, 8 điều 2 Luật Chăn nuôi 2018 thì "gia súc" là các loài động vật có vú, có bốn chân được con người thuần hóa và chăn nuôi. Gia cầm là các loài động vật có hai chân, có lông vũ, thuộc nhóm động vật có cánh được con người thuần hóa và chăn nuôi. Động vật khác trong chăn nuôi là động vật ngoài gia súc, gia cầm và ngoài danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, danh mục động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm... Tại phụ lục II trong Thông tư 23/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn một số điều của Luật Chăn nuôi thì chó, mèo được xếp vào loại động vật khác.

Như vậy, căn cứ vào các quy định trên, có thể thấy thú nuôi là chó, mèo không thuộc danh mục gia súc, gia cầm. Do đó, việc nuôi chó, mèo trong nhà chung cư không thuộc hành vi bị cấm theo quy định.

Theo luật sư Lưu Tấn Anh Toàn, tuy quy định pháp luật không cấm nhưng việc nuôi chó mèo còn tùy thuộc vào quy định riêng của từng chung cư, được đưa ra biểu quyết ở hội nghị nhà chung cư để ban hành quy định chung.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo