xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

"Bên nhau ngày Tết": Ký ức bà tôi dịp Tết

Nguyễn Thanh Tòng (Pháp)

(NLĐO) - Sống ở nước ngoài đã gần nửa đời người nhưng năm nào, tôi cũng nói sẽ về thăm nhà dịp Tết và rồi đến nay cũng không thực hiện được như ý muốn.

Xuân về trên đất khách, trời rét, ngoài đường tuyết rơi trắng xóa. Chúng tôi đón Tết năm nay khi dịch Covid-19 đang lan ra trên thế giới với biến thể Omicron, mức độ lây nhiễm tăng rất nhanh, kinh tế suy thoái và xã hội bất an.

Hiện nay, tại Pháp, vào quán ăn phải có hộ chiếu y tế, phải mang khẩu trang nơi công cộng. Chính phủ ra chỉ thị người dân tiêm vắc-xin với hy vọng sẽ đẩy lùi nạn dịch.

Đã 2 năm không về thăm quê hương vì dịch Covid-19, ngày Tết, tôi nhớ quê nhà, nhớ những kỷ niệm thơ ấu, nhớ bà nội.

Ký ức bà tôi ngày Tết - Ảnh 1.

Lúc ấy, ba mẹ tôi phải bươn chải trong cuộc sống, bà thường bên cạnh tôi chăm sóc từng những viên thuốc hay từng muỗng cháo, chăm lo giấc ngủ khi tôi đau ốm. Bà không nghỉ ngơi lúc nào, ra vườn làm đất, trồng rau, nuôi gà dù tuổi cao không lúc nào ngừng tay.

Tôi còn nhớ bà thích ăn trầu. Trong phòng khách, trên bàn luôn có mâm trầu, quả cau và một bình vôi, cạnh đấy là cái ống nhổ bằng thau luôn luôn trắng bóng. Mỗi khi mệt hay ra vườn chăm sóc cây cối, bà ngồi lại chuẩn bị ăn trầu.

Đến khi lớn lên, tôi sống cùng cha mẹ. Mỗi lần về thăm bà, hai bà cháu thường tâm sự với nhau. Lúc ấy, bà chuẩn bị ăn trầu, lá trầu cắt ra làm hai theo sống lá, lấy phân nửa quẹt vôi, tôi tranh nhau với bà để cắt cau tươi và tách vỏ ra. Bà vừa nhai trầu vừa kể chuyện gia đình. Thỉnh thoảng bà yên lặng , có vẻ nghĩ ngợi và có điều gì bí ẩn không nói ra. Có thể bà đang nghĩ đến tương lai của các con và cháu.

Mãi đến khi sang Pháp du học, tôi vẫn nhớ đến bà, nhất là mỗi độ Xuân về. Nhớ đến những lúc ngồi với bà, chẻ quả cau tươi để cho bà ăn trầu và hai bà cháu tâm sự. Gần Tết, bà thường hay làm bánh tét, cùng ngồi bên cạnh để xem bà chuẩn bị nồi bánh tét nào lá chuối, nào ngâm gạo, đậu xanh và nồi thịt lớn mà bà đã ướp sẵn.

Tôi không quên được trong đêm khuya cùng ngồi bên cạnh nồi bánh để canh lửa với tiếng lách tách của chuối khô và tiếng sôi sùng sục của nồi bánh tét, nghe bà kể bao nhiêu là truyện, có cả truyện ma. Mỗi lần bà bắt đầu kể là tôi ngồi sát bên và ôm chặt lấy bà vì vừa sợ lại vừa thích nghe.

Giữa đêm khuya vắng lặng, chỉ có bà và cháu quây quần quanh bếp lửa, nghe tiếng dịu dàng kể chuyện của bà. Tôi thiếp đi lúc nào không biết…

Ký ức bà tôi ngày Tết - Ảnh 2.

Bà nội tôi

Lưng còng, tóc bạc, bà xông xáo động viên các con để chuẩn bị ngày Tết cho chu đáo. Bộ lư hương bằng đồng được đánh bóng. Trên bàn thờ, một bên đặt chậu mai vàng còn bên đối diện là dĩa trái cây ngũ quả. Trên bàn thờ cũng có tô thịt, cá và trứng kho với nước dừa tươi, cái béo của thịt heo, vị ngọt của nước dừa và nước mắm làm cho nồi thịt đậm đà thanh tao. Bát canh khổ qua là biểu tượng những gì không may sẽ cho qua để năm tới được nhiều may mắn và an lành. Bên cạnh đó là món chả giò rán và không quên đĩa bánh tét. Cơm nóng, miếng thịt kho chín nhừ cùng với cải chua thật là tuyệt.

Mùng Một Tết, gia đình sum họp tại nhà, dù thế nào đi nữa cũng phải đủ mặt gia đình anh em, con cháu quây quần trước bàn thờ tổ tiên được trang hoàng lộng lẫy để nhớ chuyện xưa và mừng tuổi bà nội. Bà nội mặc áo dài gấm màu tím cà và đi đôi dép bằng gấm màu đen.

Bà đứng bên cạnh bàn thờ để cầu khấn cho linh hồn đã mất, phù hộ cho con cháu dòng họ Nguyên Đăng. Lần lượt vợ chồng bác hai, ba má và gia đình cô sáu thắp nhang cầu nguyện cho năm mới an bình trong gia đình và sau đó mới là các con cháu tiếp tục thắp nhang trên bàn thờ với bầu không khí trang nghiêm.

Đầu tiên là chúc Tết nội trước, tuần tự quỳ trước bà nội để chúc Tết và hưởng lộc thọ mà bà ban cho. Mỗi người trong gia đình bao giờ cũng có một phong bì đỏ và những lời khuyên răn bà nhắn nhủ. Những lời nói thẳng thắn và thấm thía tình cảm dù rằng con cái đều lớn và có địa vị nhưng bà nội vẫn coi là các con vẫn còn nhỏ bé. Sau khi cha mẹ chú bác cô cậu mừng tuổi và lạy bà thì đến con cháu, đứa nào đứa nấy mắt sáng rực nhìn phong bì đỏ của bà đã chuẩn bị sẵn.

Không khí long trọng trong gia đình không thiếu phần thân mật của ngày Tết. Rôm rả trò chuyện quây quần trước mâm cỗ, nào thịt kho, trứng kho, nào gỏi gà thơm ngất mùi rau răm, với chả giò giòn tan, với tô canh khổ qua năm nào cũng thế, sau cùng là bánh tét.

Với tôi, khoảnh khắc thiêng liêng của năm mới khi còn thơ ấu trong gia đình cũng như không khí tưng bừng ngoài phố, những lời chúc tụng khi gặp nhau, được mặc bộ quần áo mới và đón nhận bao bì mừng tuổi mùa xuân của người thân, sau ấy về quê thắp nén hương trên bàn thờ ông bà tổ tiên, kỷ niệm ấy làm sao không quên được.

Ngoài trời giá lạnh, làm buồn thêm. Đã bao nhiêu năm xa cách quê nhà, làm sao quên được những kỷ niệm ấy, gửi đây chỉ là hương khói.

Cuộc sống hiện nay không còn hương vị Tết thuần túy như xưa, không còn ngồi trước nồi bánh tét đang sôi sùng sục với cái nóng ấm áp của ngọn lửa bùng cháy và nghe lại những kỷ niệm thuở xưa của bà kết lại. Năm nào cũng như nhau nhưng vẫn không chán, những tình cảm yêu thương bà dành cho cháu là thiêng liêng và cao đẹp. Nhưng bà còn đâu nữa, chỉ để lại những hình ảnh mà cháu phương xa vẫn nhớ đến bà, nhớ đến 3 câu thơ trong bài thơ "Bếp lửa" của Bằng Việt:

"Một bếp lửa chờn vờn sương sớm

Một bếp lửa ấp iu nồng đượm

Cháu thương bà biết mấy nắng mưa".


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo