xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bảo vệ phụ nữ và trẻ em bị bạo hành

PHẠM DŨNG

Mỗi năm cả nước có 2.000 vụ trẻ em bị bạo hành, bị xâm hại trong khi đó 62,9% phụ nữ Việt Nam phải trải qua một hoặc nhiều hình thức bạo lực về thể chất, tình dục, tinh thần và kinh tế

Theo thống kê của Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), trung bình mỗi năm cả nước có hơn 2.000 trẻ bị bạo hành, bị xâm hại ở mức độ nghiêm trọng cần được can thiệp. Còn theo Bộ Công an, riêng năm 2020, cả nước có gần 2.000 vụ bạo hành trẻ em bị phát hiện, với 97% số vụ có kẻ gây hại đều là người thân, quen với nạn nhân.

Nhiều vụ việc đau lòng

Liên tiếp trong một thời gian ngắn cả nước xảy ra nhiều vụ bạo hành trẻ em với mức độ và hành vi rất tàn nhẫn. Cuối tháng 1-2022, Công an TP Hà Nội đã bắt khẩn cấp Nguyễn Trung Huyên (SN 1992, ngụ TP Hà Nội) để điều tra hành vi giết người.Huyên đã đóng đinh vào đầu bé N.A (3 tuổi) - con gái của người tình. Trước đó, Huyên thường xuyên đánh đập cháu A. khiến cháu nhiều lần nhập viện.

Sự việc này chưa lắng xuống thì ngày 16-2, dư luận lại sục sôi vì hành vi tàn độc của Trần Văn Viên (SN 1992, quê Quảng Nam). Nghi ngờ vợ ngoại tình, Viên đã dẫn cháu Y.V (5 tuổi) ra bến đò Tam Hải rồi ném cháu xuống sông.

Trước đó, vụ việc cháu N.T.V.A (8 tuổi) bị "dì ghẻ" bạo hành đến chết xảy ra tại TP HCM khiến dư luận và các cơ quan tố tụng đặc biệt quan tâm. Trong vụ án này, Nguyễn Võ Quỳnh Trang (SN 1995, quê Gia Lai) bị bắt giam để điều tra 2 hành vi "Giết người" và "Hành hạ người khác"; Nguyễn Kim Trung Thái (SN 1985, ngụ quận 1, TP HCM, cha bé A.) bị tạm giam về tội "Hành hạ người khác" và "Che giấu tội phạm".

Cuối tháng 11-2021, cư dân mạng đã sốc khi thấy hình ảnh người mẫu K.T (SN 1992) người thâm tím, đầy vết thương do bị chồng chưa cưới bạo hành. K.T đã tung ra loạt hình ảnh tố cáo bị hành hạ, giam lỏng; cô cho biết thường xuyên bị lăng mạ, sỉ nhục. Công an quận Hoàn Kiếm (TP Hà Nội) đã vào cuộc điều tra, xác minh vụ việc.

Bảo vệ phụ nữ và trẻ em bị bạo hành - Ảnh 1.

Trần Văn Viên, kẻ nhẫn tâm ném con xuống sông ở Quảng Nam bị bắt khẩn cấpẢnh: Q.Vinh

Xã hội cần hành động

Theo kết quả nghiên cứu quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ Việt Nam do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê thực hiện thì 62,9% phụ nữ Việt Nam phải trải qua một hoặc nhiều hình thức bạo lực về thể chất, tình dục, tinh thần và kinh tế, hoặc chịu hành vi kiểm soát của chồng.

Tính đến tháng 7-2021, số cuộc gọi đến Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em (111) đã vượt mốc 500.000 cuộc cần hỗ trợ tâm lý, can thiệp, thông tin vấn đề liên quan đến trẻ em. Trung bình mỗi tháng đường dây 111 tiếp nhận khoảng 30.000 cuộc gọi.

Trước thực trạng nhiều trẻ em bị bạo hành, bà Lê Thị Thu, nguyên Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em Việt Nam, mong muốn các cơ quan chức năng làm tới nơi tới chốn các vụ việc, tránh bỏ sót người lọt tội; đồng thời kêu gọi người dân hãy gọi ngay Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em với đầu số 111 nếu phát hiện trẻ bị bạo hành.

"Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ 2 trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em vào ngày 20-2-1990. Trong 10 quyền cơ bản thì có quyền được trợ giúp ngay lập tức trong trường hợp khẩn cấp và thảm họa, được bảo vệ khỏi sự tàn ác, bỏ bê, lạm dụng; quyền có một gia đình, được sự chăm sóc của cha mẹ và có một chỗ trú ngụ an toàn" - bà Lê Thị Thu nói.

Là một kiểm sát viên lâu năm, từng tham gia xét xử các vụ án về bạo hành, cố ý gây thương tích đối với phụ nữ, trẻ em, bà Vũ Thị Xuân Nhuệ (Trưởng Phòng Thực hành quyền công tố - Kiểm sát xét xử phúc thẩm án hình sự, VKSND TP HCM) chia sẻ: "Do quan hệ phụ thuộc về kinh tế, tình cảm nên việc phát hiện, tố giác, xử lý các hành vi liên quan đến bạo lực gia đình thường gặp nhiều khó khăn. Từ đó, công tác thu thập chứng cứ, điều tra, truy tố, xét xử gặp nhiều khó khăn; thời gian giải quyết bị kéo dài, nhiều trường hợp không đủ căn cứ để chứng minh hành vi vi phạm".

Theo bà Vũ Thị Xuân Nhuệ, nếu phát hiện trẻ em, phụ nữ bị bạo hành, người dân cần giữ lại chứng cứ, cung cấp cho các cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn, xử lý thích đáng. Đối với các vụ xâm hại tình dục, phụ huynh nên mạnh dạn tố cáo để các cơ quan hữu trách hướng dẫn việc cần làm, nên làm nhằm bảo vệ chứng cứ và đưa đối tượng xâm hại ra ánh sáng.

Giao lưu trực tuyến

Nhân kỷ niệm 112 năm ngày Quốc tế Phụ nữ (8.3.1910 - 8.3.2022), vào lúc 14 giờ ngày 7-3, Báo Người Lao Động tổ chức buổi giao lưu trực tuyến, chủ đề "Phòng chống bạo hành, xâm hại phụ nữ và trẻ em".

Tham gia chương trình giao lưu trực tuyến (qua Báo Người Lao Động điện tử: nld.com.vn) là những nhà quản lý, chuyên gia về vấn đề bạo hành, xâm hại phụ nữ và trẻ em, gồm: Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; ông Lê Khánh Lương, quyền Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; bà Trần Thị Huyền Thanh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP HCM; bà Lê Thị Thu, nguyên Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em; luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP HCM - thành viên Câu lạc bộ Tư vấn, trợ giúp trẻ em Trung ương; bà Vũ Thị Xuân Nhuệ, Trưởng Phòng Thực hành quyền công tố - Kiểm sát xét xử phúc thẩm án hình sự, VKSND TP HCM; luật sư Vũ Phi Long, nguyên Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP HCM.

Chủ động quan sát, đừng làm ngơ

Tôi là bác sĩ phụ sản hiện đang công tác tại Pháp. Lần đầu tiếp cận guồng máy y tế Pháp, tôi có suy nghĩ sao người Pháp tinh thần/tâm lý lại "yếu" vậy. Bỏ thai cũng phải gặp chuyên viên tâm lý, chấm dứt thai kỳ cũng phải gặp chuyên viên tâm lý (bắt buộc), dọa sanh non cũng phải mời chuyên viên tâm lý và bác sĩ nhi khoa trao đổi cùng sản phụ, với bệnh nhân ung thư cũng vậy. Ngoài những buổi thông báo tình trạng bệnh với bác sĩ điều trị, bệnh nhân luôn có những buổi gặp bác sĩ tâm thần, chuyên viên tâm lý, điều dưỡng chăm sóc hậu phẫu cũng cung cấp đầy đủ thông tin trước/sau phẫu thuật với những thay đổi có thể có về mặt thể chất và tâm lý.

Không ít lần trong đêm trực, tôi tiếp nhận những bệnh nhân do cảnh sát khu vực gửi đến khám vì bạo hành gia đình. Đa phần là quan hệ tình dục cưỡng ép bởi chồng nạn nhân. Có lần một phụ nữ Ả Rập trình báo cảnh sát vì hành vi bị bắt ép quan hệ tình dục. Cô kể tôi nghe rất nhiều về cuộc sống hôn nhân đầy nước mắt. Ấn tượng nhất là câu nói: "Mẹ anh ta kêu tôi phải chịu đựng vì tôi là phụ nữ; mẹ anh ta cũng chịu đựng bố anh ta và con gái ruột bà ấy cũng chịu đựng chồng cô ta!". Phụ nữ sinh ra là phải chịu đựng sao? Với tôi, là không!".

Lần khác, một sản phụ đến cấp cứu vì đau bụng. Sau khi thăm khám tôi cho cô về nhà. Cô ngồi thẫn thờ một lúc như định nói gì đó rồi lại thôi. Tôi liền hỏi có chuyện gì cô muốn nói thì cứ nói. Chúng tôi ở đây để chăm sóc cô một cách toàn diện. Cô òa khóc, kể về người chồng hung hãn luôn mắng nhiếc, đánh đập. Tôi liền liên hệ nhân viên xã hội và chuyên viên tâm lý đến ngay để giải quyết.

Khi theo dõi một thai kỳ, ngoài vấn đề sức khỏe thể chất thì vấn đề tâm lý - xã hội cũng cần được lưu tâm đặc biệt. Vì khám thai kỳ có khi là dịp duy nhất để người phụ nữ được tiếp xúc với nhân viên y tế. Tôi luôn phải đặt những câu hỏi về bạo hành gia đình (thể chất/tinh thần), tiền căn bị ngược đãi lúc nhỏ, có sử dụng thuốc hướng thần hay theo dõi bởi chuyên viên tâm lý không... Để nâng cao kỹ năng khai thác, tạo lòng tin cho bệnh nhân trải lòng, các bác sĩ tâm thần, chuyên viên tâm lý thường xuyên có những buổi trao đổi, đào tạo với các bác sĩ, nữ hộ sinh chúng tôi.

Do đặc thù công việc nên phụ nữ là đối tượng tôi tiếp xúc nhiều nhất chứ bạo hành không phải chỉ riêng đối tượng này. Nam giới, trẻ em, người già... mọi người đều có thể là nạn nhân. Nếu họ không thể tự nói ra thì nên chăng chúng ta chủ động "tầm soát", quan sát và đặt câu hỏi để tìm hiểu trên những đối tượng "nghi ngờ" hơn là làm ngơ để những hệ quả đáng tiếc có thể xảy ra. Bởi nguyên nhân của bạo hành hầu hết xuất phát từ yếu tố tâm lý, xã hội và vai trò của nhân viên y tế nói chung hay bác sĩ tâm thần, chuyên viên tâm lý nói riêng là phải đánh giá được mức độ "bệnh lý" để đưa ra phương thức trị liệu phù hợp, thậm chí là hình sự hóa vấn đề.

Bác sĩ Vân Thanh

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo