xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG: BAO GIỜ CHẤM DỨT? (*): Xây dựng môi trường sống và học tập lành mạnh

Anh Vũ ghi

Cần dành nhiều thời gian đối với việc giáo dục cách ứng xử thân thiện cho trẻ với môi trường xung quanh

. Chuyên gia tâm lý BÙI QUANG MINH NHẬT, giảng viên Trường Cao đẳng FPT Polytechnic:

Giúp trẻ nhận ra giá trị của tình yêu thương

Bạo lực học đường là một hành vi lệch chuẩn không chỉ vi phạm đạo đức mà còn vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Nguyên nhân có thể xuất phát từ đặc điểm tâm lý của học sinh cực kỳ nhạy cảm, không kiểm soát được cảm xúc, dễ bị kích động bởi những lời trêu ghẹo, khích bác; bị ảnh hưởng bởi hình ảnh đánh, đấm, đâm chém của game online, mạng xã hội; lớn lên trong gia đình mà hành vi bạo lực xuất hiện thường xuyên. Ngoài ra, không ít phụ huynh khuyến khích con trả đũa khi bị bạn bè trêu chọc.

Để ngăn bạo lực học đường, trước hết, người lớn cần hiểu rõ đặc điểm tâm lý của trẻ trong mỗi giai đoạn lứa tuổi, đặc biệt là tuổi dậy thì. Từ đó, trang bị cho trẻ kỹ năng sống như quản lý cảm xúc, giao tiếp, cách giải quyết mâu thuẫn… để xử trí tích cực khi nảy sinh mâu thuẫn.

Bên cạnh đó, cha mẹ, thầy cô cần lắng nghe tâm tư, suy nghĩ của các em để kịp thời hỗ trợ hoặc ngăn chặn những hành vi bồng bột, thiếu suy nghĩ. Lắng nghe để định hướng cách xử lý và giúp các em giải tỏa những căng thẳng, áp lực về học tập và các mối quan hệ.

Cuối cùng, cần xây dựng môi trường sống và học tập lành mạnh để các em nhận ra giá trị của tình yêu thương, tránh xa những suy nghĩ, hành vi gây tổn hại cho người khác.


BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG: BAO GIỜ CHẤM DỨT? (*): Xây dựng môi trường sống và học tập lành mạnh - Ảnh 1.

Nữ sinh đánh bạn ngay trong trường học ở TP Đà Nẵng. (Ảnh cắt từ clip)

. Luật sư TRẦN MINH HÙNG, Trưởng Văn phòng Luật sư Gia Đình - Đoàn Luật sư TP HCM:

Hãy là chỗ dựa đáng tin cậy!

Bạo lực học đường thường xảy ra tại các trường THCS, THPT, mà nguyên nhân thường xuất phát từ chính bản thân học sinh. Trong độ tuổi này, các em có những sự chuyển biến rất lớn về tâm lý, là giai đoạn quan trọng hình thành nhân cách, cùng tâm lý không ổn định với cái tôi quá cao.

Trong khi nội dung giảng dạy tại nhà trường hiện nay về đạo đức và phòng chống bạo lực học đường chưa phù hợp thực tiễn - còn nặng lý thuyết, chưa đủ sức giúp học sinh có cái nhìn, nhận thức đúng đắn về trách nhiệm của bản thân với những người xung quanh.

Đồng thời, nhiều phụ huynh ít quan tâm, giáo dục về mặt đạo đức cho con. Một số trường hợp, phụ huynh bị căng thẳng, áp lực trong công việc, cuộc sống và giải quyết vấn đề bằng bạo hành gia đình.

Quy định của pháp luật hiện hành chưa đủ sức răn đe đối với hành vi bạo lực học đường. Trong nhiều trường hợp, hành vi bạo lực học đường gây ra hậu quả nghiêm trọng nhưng các học sinh vi phạm chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự nên hình thức xử phạt được áp dụng chưa tương xứng với hành vi vi phạm.

Các hình thức kỷ luật học sinh hiện nay còn quá nhẹ, việc kỷ luật chưa kèm theo kế hoạch giáo dục, giúp đỡ học sinh tiến bộ và bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và các cá nhân, tổ chức liên quan trong quá trình áp dụng các hình thức kỷ luật học sinh.

Để ngăn chặn bạo lực học đường, vai trò của gia đình và nhà trường là rất quan trọng. Nhiều học sinh khi bị bạn đe dọa, thậm chí là đánh đập, đã không dám nói với gia đình vì sợ bị la mắng. Đây là một trong những nguyên nhân khiến bạo lực học đường tiếp diễn. Do đó, cha mẹ cần làm bạn cùng con, sẵn sàng lắng nghe tâm sự của con, giúp con hiểu gia đình là chỗ dựa đáng tin cậy. Có như vậy, con mới sẵn sàng chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn, những băn khoăn, lo lắng của mình với cha mẹ. Qua đó, cha mẹ sẽ dễ dàng hơn trong việc bảo vệ con trước bạo lực học đường.

Ngoài ra, nhà trường cần tăng cường tuyên truyền giúp học sinh nhận thức được hậu quả của bạo lực học đường thông qua các giờ hoạt động ngoại khóa. Bản thân giáo viên chủ nhiệm cũng là nhân tố quan trọng giúp gắn kết học sinh, tạo môi trường học tập thân thiện.

Đừng để trẻ sống trong cô đơn!

Bàn về vấn đề bạo lực học đường để tìm cách khắc phục không đơn giản nhưng muộn còn hơn không.

Cần dành nhiều thời gian đối với việc giáo dục cách ứng xử thân thiện cho trẻ với môi trường xung quanh. Trong nhà trường, các bài học giáo dục đạo đức, lối sống cần được biểu đạt bởi từ ngữ gần gũi, không khô cứng và nặng tính giáo lý; nên tổ chức cho học sinh thực hiện các hoạt động giáo dục ngoài giờ, các trò chơi mang tính hợp tác giúp trẻ tìm và đưa ra phương án xử lý những vấn đề đang xảy ra trong cuộc sống. Trong lớp, tổ chức các buổi sinh hoạt tập thể, tham quan, dã ngoại để giáo dục tinh thần tập thể cho học sinh.

Nhà trường cần nắm được danh sách các học sinh cá biệt có nguy cơ gây bạo lực để thường xuyên chia sẻ, giáo dục các em. Song song đó, phụ huynh cần quan tâm và trực tiếp bảo vệ con bằng cách trang bị cho con các kỹ năng sống cơ bản. Hãy là tấm gương sáng về hạnh kiểm, tuyệt đối không để con sống trong cô đơn.

Về phía học sinh, cũng cần có ý thức chủ động, tự điều chỉnh lời ăn tiếng nói; biết nói lời cảm ơn và xin lỗi, vì qua đó, mâu thuẫn nhỏ có thể được giải quyết êm thắm.

Ngoài những giải pháp trên, các cơ quan thông tin, truyền thông, tổ chức - đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội... cần tăng cường tuyên truyền, vận động hội viên, phụ huynh học sinh và cộng đồng xã hội nâng cao trách nhiệm về công tác phòng chống bạo lực học đường.

H.Danh

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 14-9

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo