xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

"BAO GIỜ HẾT DỊCH, TÔI SẼ...": Sống lạc quan, hy vọng và yêu thương

Huỳnh Hiếu ghi

Hãy thay đổi góc nhìn, thích nghi với những gì không như ý, sẽ cảm nhận được sự bình an trong tâm hồn

Bạn đọc Tương Quan:

Trân trọng từng giây phút hiện tại

Bất an, lo lắng là tâm trạng của tôi khi số ca nhiễm tăng nhanh. Nhưng khi bình tâm nhìn lại, người thân vẫn được bình an, tôi nhận ra mình còn may mắn, hạnh phúc hơn rất nhiều người. Từ đó, hạn chế tối đa mọi suy nghĩ tiêu cực, hướng bản thân đến những điều tích cực.

Đại dịch cho thấy hạnh phúc không chỉ được đo bằng "cơm ngon áo đẹp" mà trước hết phải yên lành. Tôi đã hiểu rõ hơn về sức mạnh của tình yêu thương. Nếu không có tình yêu thương, tinh thần tương thân tương ái, sự sẻ chia, đùm bọc của đồng bào cả nước thì có lẽ chúng ta khó mà trụ vững như lúc này.

Thời gian giãn cách xã hội cũng là cơ hội để nhiều người sắp xếp lại giờ giấc, thói quen sinh hoạt tốt nhất cho cơ thể: tập thể dục tại nhà mỗi ngày, theo dõi tình hình sức khỏe, súc miệng và rửa tay thường xuyên hơn. Lúc này, tranh thủ sắp xếp lại tâm trí, nhất là những áp lực trong công việc để duy trì trạng thái tinh thần thoải mái, cân bằng, đón nhận nhiều giá trị tươi đẹp trong cuộc sống. Bởi lẽ, con người được sinh ra không chỉ để làm việc mà còn để tận hưởng những điều tươi đẹp hiện diện mỗi ngày, phát triển bản thân và các mối quan hệ xã hội.

Tôi luôn tin rằng khi thay đổi góc nhìn, thích nghi với những thay đổi không mong muốn, chúng ta sẽ cảm nhận được sự bình an trong tâm hồn. Không đợi đến bao giờ hết dịch, mà ngay hôm nay tôi sẽ sống lạc quan, hy vọng, yêu thương và chia sẻ nhiều hơn.


BAO GIỜ HẾT DỊCH, TÔI SẼ...: Sống lạc quan, hy vọng và yêu thương - Ảnh 1.

Những ngày thành phố bình yên, dịch chưa bùng phátẢnh: Hoàng Triều

Bạn đọc Phương Thảo:

Tôi sẽ về, dạy em học

Đọc báo, nghe đài, thấy từng đoàn người về quê, lòng tôi bỗng nhớ gia đình da diết. Tôi đã chuẩn bị trở về quê nhà nhưng rồi Thủ tướng kêu gọi "ai ở đâu ở yên tại đó", tôi phải tạm ngưng kế hoạch.

Ở lại TP HCM, thu mình trong phòng trọ, thỉnh thoảng tôi lên sân thượng để hít không khí trong lành. Đưa ánh mắt ra xa, tôi thấy thành phố thưa thớt người đi, nhà nhà đóng chặt cửa, buồn đến nao lòng.

Mỗi tối, tôi điện thoại về nhà, chỉ cần nghe tiếng nói cười của mọi người, tôi như được an ủi, tạm quên bao lo toan ở hiện tại. Nhưng có một lần nghe em gái hỏi: "Ai cũng về rồi, sao chị chưa về dạy em học?", tôi đã khóc.

Em gái tôi chậm phát triển hơn bạn đồng trang lứa. 18 tuổi, em vẫn như trẻ con. Đã từng đi học nhiều nơi nhưng con chữ đối với em luôn lạ lẫm, khó tiếp thu. Có lẽ, em không hiểu được dịch bệnh là gì, sự nguy hiểm của nó ra sao nên khi trông thấy bạn tôi về quê, em mới thắc mắc vì không thấy chị về.

Về nhà, về với gia đình, ai không mong muốn? Tôi cảm thấy mình vẫn còn hạnh phúc khi còn có ba mẹ và em. Dịch bệnh này đã làm chia ly biết bao gia đình. Chia ly vì F0, F1. Chia ly vì xông pha vào tâm dịch và cũng có những cuộc chia ly mãi mãi trong nước mắt và niềm đau. Ngay lúc này, tôi chỉ biết ở yên tại nhà, chờ được tiêm vắc-xin và nguyện cầu cho đất nước cùng thế giới được bình an. Mong sao dịch bệnh qua nhanh, để tôi có thể về bên gia đình và em gái.

Bạn đọc Trương Anh:

Quây quần bên mâm cơm gia đình

Gia đình tôi có 4 thành viên, từ khi làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát, mỗi người một nơi, chỉ thi thoảng "đoàn tụ" qua video call.

Con gái lớn học ở Mỹ, hơn 2 năm chưa về thăm gia đình, hứa hẹn hè này sẽ về, lên lịch trình cùng nhau đi du lịch, ăn những món khoái khẩu. Cả nhà nôn nóng đếm từng ngày. Dịch bùng phát, mọi dự tính đành gác lại.

Con gái nhỏ vừa thi xong học kỳ II, tôi đưa về ngoại, những tưởng 2 tuần đón về như mọi năm. Dịch diễn biến phức tạp, TP HCM và hàng loạt tỉnh, thành phía Nam giãn cách. Vậy là con bị "kẹt" ở quê luôn. Thời gian đầu con điện thoại than nhớ mẹ, thèm đủ thứ. Tôi xót con nhưng chỉ biết khuyên ráng chờ hết dịch, ba mẹ đón về, may là dần dà con cũng tập thích nghi.

Tôi là bác sĩ sản khoa, khi số ca nhiễm ở TP HCM lên hàng ngàn ca mỗi ngày, bệnh viện nơi tôi làm việc được trưng dụng trở thành bệnh viện Covid-19 và tôi trở thành bác sĩ điều trị Covid-19. Tôi lớn tuổi lại có bệnh nền, người thân lo lắng khuyên tôi bỏ việc. Sau vài đêm suy nghĩ, tôi quyết định khăn gói vào bệnh viện chia sẻ với đồng nghiệp. Mỗi đợt vào ca, tôi ở suốt bệnh viện 14 ngày, sau đó về nhà tự cách ly 14 ngày. Ông xã tôi bị buộc vào tình thế tự xoay xở nấu ăn, rồi cũng hoàn thành vai trò "anh nuôi" bất đắc dĩ.

Dịch bệnh khiến mọi thứ thay đổi, bất tiện buộc mình phải thích ứng với hoàn cảnh. Hơn bao giờ hết, lúc này điều tôi mong mỏi là nhanh hết dịch, để sáng cuối tuần tung tăng xách giỏ đi chợ nấu ăn, cả nhà lại quây quần bên mâm cơm nói cười rôm rả.

Ước mơ bình dị của một dân quân

Huyện Ninh Phước (tỉnh Ninh Thuận) quê tôi đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Những ngày đầu tham gia cùng dân quân chống dịch, tôi vô cùng hào hứng, thử sức với những công việc thu gom rác và lau dọn khu cách ly. Mỗi buổi sáng, trong bộ đồ bảo hộ kín bưng, cùng với bao đựng rác, chổi, cây lau nhà và chất khử khuẩn, chúng tôi lau dọn hết dãy lầu này đến dãy lầu khác. Dù vất vả nhưng nhìn những ánh mắt vui tươi và đầy can đảm của bệnh nhân khi chống chọi với Covid-19, tôi cảm thấy thương hơn và muốn làm gì đó nhiều hơn nữa.

Một tháng nay, tôi tham gia dân quân, cùng các anh em làm nhiều việc, trải qua nhiều khoảnh khắc, cung bậc cảm xúc... Đại dịch đã lấy đi quá nhiều, tiền bạc, sự tự do, hạnh phúc, sức khỏe, thậm chí tính mạng. Vậy nên, sự bình an là điều quan trọng nhất. Mong sao hết dịch, mọi thứ trở lại bình thường, tôi và các anh em dân quân có thể trở về nhà với tâm trạng thoải mái; được hít thở bầu không khí trong lành; tôi có thể vừa nhâm nhi ly cà phê vừa đọc quyển sách mình thích vào mỗi sáng. Cảm giác ấy thật tuyệt vời!

Nguyễn Khắc Phi Vũ

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo