xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cuộc thi "Bên nhau ngày tết": Tết mồ côi

KHÁNH LIÊN

(NLĐO) - Đã là Tết, sao còn có Tết mồ côi? Có chứ, cái tết của những đứa con không còn cha, mẹ. Tết nay mà lòng trí cứ quẩn quanh những cái tết xa xưa.

Những ngày tháng chạp năm nào, trong ngôi nhà cũ của một ngôi làng nhỏ, gió chướng tháng Chạp còn quần trên mái tôn, thổi như bão trong những ngõ ngách của đường làng, mẹ đã chuẩn bị nếp từ trước, dặn trước thịt heo, lá chuối, đậu phộng, mua trước dây lạt cất trên gác bếp.

 Những ngày nhà còn đông người, khoảng 28, 29 tháng Chạp, cả nhà sẽ sum vầy gói bánh tét trong tiếng cười giòn giã. Một thúng nếp ngâm từ tối qua, trộn ít đậu phộng, thịt heo ba chỉ cắt sợi dài, không dày không mỏng, đậu xanh ngâm và sên trên bếp. Đứa út ét trong nhà thường được giao nhiệm vụ lau lá chuối. Những lá chuối được phơi ngoài sân, chực chờ bay trong gió chướng, được lấy vào, xếp và lau ngay ngắn. Người chắc tay siết dây lạt thường là nhân vật chính gói bánh, có khi ba, có khi mẹ, có khi ông cậu nhà bên tình cờ qua chơi xem thử cả nhà gói bánh tét thế nào? Những người trong nhà đều tập trung lại, lăng xăng phụ cái này cái kia, góp vào bao nhiêu câu chuyện về Tết. 

Chuyện Tết muôn đời không hết và thường là chuyện vui. Chuyện mua sắm quần áo mặc Tết, chuyện bánh mứt, chuyện xông đất, lì xì…Những câu chuyện tuôn dài không ngớt. Từ chuyện Tết chuyển qua những câu chuyện xảy ra trong năm. Chốt lại luôn là mong những chuyện không vui, khó khăn trong năm cũ đi qua. Ai cũng mong ước năm mới được sung túc, nhiều may mắn.

Những Tết sum vầy, cả nhà bên nhau gói bánh tét, thức canh nồi bánh tét trong tiếng gió như bão sau vườn trôi qua khiến không ai hay. Từng đứa con đi học xa, có gia đình riêng, rồi cuộc sống riêng. Nhà vắng người. Những ngày giáp Tết dường như không khí bớt Tết đi một chút. Rồi cũng chẳng còn có người gói bánh, nên đặt người gói bánh tét thuê.

Người gói bánh tét thuê trong làng là một người dì đứng tuổi, có tướng phúc hậu, dễ mến. Không nhận gói bánh tại nhà mà dì đi từng nhà, gói bánh cho gia chủ. Tiền công chỉ là một đòn bánh tét. Những câu chuyện tết cũng được kể khi ngồi gói bánh. Nhưng có chút ngậm ngùi. Chuyện nhà này, nhà kia, chuyện làng, chuyện xóm muôn đời vẫn thế. Có nhà đông vui, có nhà buồn tủi. Nhà này có đứa con ở xa thành công, vinh quy trở về. Nhà khác chờ mãi đứa con đi làm ăn tứ xứ, không có nổi tiền xe, suốt cả năm chẳng dám quay về.

Mỗi cái tết như một vòng bánh xe xoay tròn. Không vòng xoay nào giống nhau. Dù cũng chuẩn bị bao nhiêu thứ đó nhưng tết nào cũng khác nhau. Gió chướng năm này không thể nào là cơn gió chướng năm cũ. Người già trong làng vắng dần đi sau mỗi cái Tết. Những đứa trẻ lớn lên lại ríu ran với áo mới khi Tết về.

Dịch covid - 19 tràn tới. Cái nhịp Tết quen thuộc hàng năm bỗng chựng lại trong rụt rè, sợ hãi. Giống như một cơn gió độc lạ lẫm lướt qua, ta không thể biết gì về nó, hướng đi của nó. Những đứa con xa vô vọng đường về nhà. Thất nghiệp và cơm áo. Những người già ở làng đi ra đi vào, mong ngóng con cháu trở về. Trước đây làng chỉ đông vui, nhà nhà được sum vầy vào dịp Tết. Nhưng covid, nhiều người làm ăn xa xứ không về. Người ở làng mong nhớ, người ở xa cũng có khác gì. Ngoài nỗi lo cơm áo, còn là nỗi lo cha mẹ già ở quê có an toàn trong mùa covid…Chuyện tết giờ còn là chuyện covid. Tết sum vầy bên nhau trở thành một nỗi khát khao.

Rồi Tết mồ côi đến. Những đứa con ngậm ngùi đón cái tết không còn mẹ cha sau cơn bão covid lịch sử. Vẫn là những chậu bông vạn thọ mong cha mẹ sống lâu với con cháu, vẫn cây mai chúm chím nụ, nở rộ ngày mồng một. Vẫn bánh tét, củ kiệu, vẫn mứt này mứt kia trong khay bánh. Vẫn cơn gió chướng tháng Chạp thổi như bão trên mái nhà, trong những con đường làng bê tông. Vẫn một sớm mai xuân, mọi cơn gió chợt ngừng bặt. Sự im lặng bất ngờ cùng với không khí mát mẻ đầu Giêng làm ta ngỡ ngàng nhận ra đất trời thay đổi. Nhưng Tết mồ côi buồn đến ngậm ngùi.

Còn đâu Người để ta mừng tuổi sáng mùng Một? Còn đâu Người lì xì cho ta buổi sáng năm nào? Người thương ta nhất. Mỗi năm ta chỉ mong Người sống thêm một tuổi, để ta còn được nhìn thấy Người.

Ngồi bên thềm nhà còn nghe tiếng cười phảng phất đâu đây. Góc này, góc kia đều là những kỉ niệm. Những hình bóng lướt qua, những gương mặt thân quen... Mới đây thôi, trong dĩ vãng.

Sắp xếp lòng, cả nỗi buồn và niềm vui, cả nỗi nhớ và ngậm ngùi, thắp một nén hương cho người thân đã mất. Dặn lòng, Tết vẫn ở đây, bây giờ và phía trước với những cố gắng cho ngày mai. Vẫn bước tiếp về phía trước và sự sum vầy sẽ nối tiếp như bốn mùa của trời đất. Có buồn rồi sẽ có vui.

Ngoài kia, đường làng, phố phường rộn rã, trẻ con tung tăng khoe áo mới. Nhà nhà đón những đứa con xa xứ trở về. Sự chuyển mình của thời gian cũng là một sự vận động hợp quy luật. Nếu ai đã trải qua Tết mồ côi sẽ hiểu được thấm thía tết sum vầy và trân trọng những khoảnh khắc bên nhau mỗi dịp tết về.   

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo