xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

ÁM ẢNH CÁC ÐIỂM TẬP KẾT RÁC (*): Nên linh hoạt khi thực hiện quy hoạch

THU HỒNG - TRƯỜNG HOÀNG - PHAN ANH

Vấn đề mấu chốt phát sinh ô nhiễm trong quá trình thu gom rác 2 năm qua ở TP HCM là do các cơ quan liên quan quá nôn nóng thực hiện theo quy hoạch

Ngoài những trạm đã dừng hoạt động, theo quy hoạch đến năm 2025, TP HCM sẽ dừng hoạt động 9 trạm trung chuyển có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường gồm: Tư Sò (quận 7), Cabin điện (quận 8), Long Hòa và Phước Long A (quận 9), Tân Thới Hiệp và Hiệp Thành (quận 12), Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Ðức), Tân Thới Nhì (huyện Hóc Môn), Bình Khánh (huyện Cần Giờ) và giữ lại 7 trạm hiện hữu đã đầu tư cải tạo nhà xưởng, có hệ thống thu gom xử lý nước thải, phun xịt khử mùi.

Mới chưa có đã vội xóa cũ

Ngoài ra, quy hoạch của TP cũng thể hiện rõ sẽ mở rộng nâng cấp 11 trạm hiện hữu khác, đầu tư mới 22 trạm trung chuyển gồm 5 trạm trung chuyển liên quận - huyện trên địa bàn các quận 2, 8 và Bình Tân, huyện Nhà Bè, huyện Củ Chi cùng 17 trạm phục vụ nhu cầu quận, huyện trên các địa bàn quận 2, 5, 8, 9, 12, Bình Tân, huyện Củ Chi, huyện Nhà Bè. Riêng giai đoạn từ năm 2025 đến 2035, TP tiếp tục giảm dần các trạm trung chuyển trong khu vực nội đô và tăng vị trí các trạm trung chuyển trên các tuyến vành đai.

Một trong những yêu cầu của UBND TP để trạm trung chuyển đảm trách được chức năng thu gom liên quận - huyện, đạt tiêu chuẩn môi trường là khi đầu tư phải bảo đảm diện tích tối thiểu, khoảng cách an toàn về môi trường, quy trình công nghệ hiện đại, cây xanh cách ly, bảo đảm các công trình xử lý chất thải, nước thải và tiếng ồn, bụi, lắp camera giám sát… Trong đó, trạm trung chuyển liên quận, huyện phải có diện tích tối ưu từ 10.000 m2, trong trường hợp quy hoạch không đáp ứng thì diện tích tối thiểu phải 5.000 m2. Ðể đẩy nhanh kế hoạch đề ra, TP cũng yêu cầu các địa phương lập dự án kêu gọi và ưu tiên lựa chọn đầu tư theo hình thức xã hội hóa, phương thức thu hồi chi phí đầu tư sẽ do đơn vị đầu tư đề xuất theo quy định hiện hành.

Theo nhiều cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) quận - huyện, quy hoạch như vậy là ổn nhưng do nôn nóng thực hiện chủ trương "tém dẹp" các trạm trung chuyển trong điều kiện các phương tiện thu gom rác chưa được đầu tư thay thế cho hiện đại; các trạm trung chuyển mới chưa hình thành, chưa tính kỹ đến việc phát sinh quá nhiều các điểm hẹn lấy rác sau khi dẹp trạm đã khiến ô nhiễm "di chuyển" khắp nơi.

Cụ thể, theo bà Võ Thị Kim Hiền, Phó Phòng TN-MT quận Bình Tân, để khắc phục những tồn tại trong công tác quản lý thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn quận thì quận cần phải tổ chức lại các điểm hẹn cho bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn giao thông bằng việc đầu tư xây dựng các trạm trung chuyển áp dụng công nghệ ép rác kín. Các trạm trung chuyển này cần hoạt động 24/24 giờ để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp nhận rác từ các tổ thu gom rác dân lập. Giám sát tần suất thu gom của các đơn vị thu gom rác; kiểm soát được thành phần rác công nghiệp và rác nguy hại lẫn trong rác sinh hoạt; công tác xử lý mùi, nước thải rác được thực hiện tập trung thường xuyên… Làm được như vậy mới xóa được tình trạng bỏ rác không đúng quy định tại các điểm hẹn, không còn phản ánh của người dân về an toàn giao thông và ô nhiễm môi trường tại các điểm hẹn.

ÁM ẢNH CÁC ÐIỂM TẬP KẾT RÁC (*): Nên linh hoạt khi thực hiện quy hoạch - Ảnh 1.

Ðể hạn chế bức xúc của cư dân, các điểm tập kết rác chọn cách làm ban đêm... Ảnh: TRƯỜNG HOÀNG

Hãy làm chậm mà chắc

Ngoài đề xuất trên, trước thực trạng các điểm hẹn lấy rác bị người dân phản ứng gay gắt trong khi các trạm trung chuyển bị bỏ không, không ít người trong cuộc cho rằng nội đô chắc chắn không thể tồn tại nhiều trạm trung chuyển rác nhưng trong khi chờ các trạm trung chuyển các tuyến đường vành đai hình thành, TP cho khai thác tạm thời một số trạm đã đóng cửa.

Chia sẻ câu chuyện về thu gom rác, ông Lê Dư Hoàng - Chủ nhiệm HTX Vệ sinh và Môi trường Thống Nhất, cho biết 3 năm trước, quận Bình Thạnh hầu như không có điểm hẹn tập kết rác trên đường, công viên hay trường học bởi rác được lực lượng thu gom lấy trực tiếp từ các hộ dân và chuyển thẳng đến trạm trung chuyển. Mỗi ngày, công nhân của HTX thu gom khoảng 200 tấn rác, trong đó 180 tấn chuyển đến trạm trung chuyển đầu hẻm 348 Phan Văn Trị (của Công ty Môi trường Ðô thị TP HCM), còn lại chuyển đến trạm nhỏ tại Thanh Ða. Cách đây 2 năm, cả 2 trạm trung chuyển đều đóng cửa, hậu quả là lực lượng thu gom phải tập kết rác tại 80 điểm hẹn trên nhiều tuyến đường của quận. Từ đó, HTX nhận đơn khiếu nại liên tục từ người dân và chính quyền, vì thực tế việc tập kết rác dọc đường đã gây ô nhiễm và cản trở đi lại của người dân.

Cũng theo ông Hoàng, trước thực tế trên, phương án lấy rác ban đêm được quận Bình Thạnh triển khai, HTX đã yêu cầu các xã viên thu gom từ 20 giờ trở đi. Nhưng thực tế cho thấy dù tập kết ban đêm vẫn không tránh khỏi việc khiếu nại của người dân vì giờ sinh hoạt của cư dân TP kéo dài rất trễ. Chưa kể, khi tập kết đêm, xe ép phải chở rác từ điểm hẹn đến thẳng bãi rác Ða Phước nên quay đầu không kịp, khiến rác lưu lại rất lâu trên đường và công nhân phải chờ đợi xe ép. Nhiều công nhân vệ sinh mệt mỏi chạy đến trạm xử lý trên đường Quang Trung (quận Gò Vấp) thì trạm này đã đóng cửa từ 18 giờ. Chưa kể, nếu thu gom ban đêm, người thu gom rác gặp rất nhiều khó khăn như thu nhập không đủ sống bởi thông thường 2 vợ chồng cùng đi một đường dây rác chỉ thu nhập khoảng 5 - 6 triệu đồng/tháng, họ phải chạy thêm đường dây khác để có thêm nguồn thu. Họ còn có con nhỏ, ban đêm cả hai đi làm, đóng cửa bỏ con ở nhà một mình thì không thể yên tâm. Một số trường hợp phải vừa chạy đêm vừa chạy ngày là vì vậy.

"Ðể hài hòa, theo tôi, UBND TP nên cho phép các quận, huyện linh động sử dụng trạm trung chuyển sẵn có hoặc sử dụng trạm liên quận để xử lý lượng rác trên địa bàn, tránh tình trạng rác tồn ứ, lưu lại trên đường chờ xe ép như hiện nay" - ông Lê Dư Hoàng đề xuất.

Thúc tiến độ chuyển đổi công nghệ xử lý rác

Trăn trở với câu chuyện thu gom, vận chuyển rác tại TP HCM, TS Phạm Viết Thuận, Viện Kinh tế TN-MT, cho rằng cần chuẩn hóa trạm thu gom khép kín.

Muốn vậy, trước hết TP cần rà soát tổng thể quy hoạch các trạm trung chuyển và điểm tiếp nhận trên địa bàn TP. Kế đến, giao công ty môi trường đô thị và các công ty công ích quận - huyện chuyển đổi xây dựng mới các trạm trung chuyển và các trạm khép kín theo mô hình chặn khí phát tán và thiết bị xử lý tại chỗ. Ðồng thời, giao trách nhiệm trực tiếp cho các đơn vị quản lý trạm trung chuyển hay điểm tập kết về trách nhiệm thu gom tiếp nhận chủng loại rác thải, dần dần chuẩn hóa phân loại thành phần rác trong khu vực, kiểm soát và quan trắc tại trạm cùng các điểm tiếp nhận khép kín.

Theo Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong, TP hiện có 13 triệu người dân sinh sống và làm việc, lượng rác thải sinh hoạt ở mức 9.000 tấn/ngày. Vì vậy, áp lực xử lý rác thải là rất lớn. Trước thực tế đó, UBND TP đã gấp rút đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi công nghệ xử lý rác thải trên địa bàn TP. Tính đến nay, TP đã chấp thuận chủ trương chuyển đổi công nghệ đốt phát điện đối với 3 nhà máy xử lý chất thải hiện hữu, 1 nhà máy chuẩn bị khởi công mới. Tổng công suất của 4 nhà máy rác thải này xử lý lượng rác khoảng 6.000 - 7.000 tấn/ngày. Giai đoạn 2019-2020, dự kiến sẽ tiến hành đấu thầu lựa chọn thêm 2 nhà máy đốt rác phát điện với tổng công suất 2.000 tấn/ngày, nâng tổng công suất đốt rác phát điện lên 9.000 tấn/ngày. 

Nếu công nghệ hiện đại, mỗi trạm chỉ cần 200 m2 là đủ

TS Phạm Viết Thuận cho rằng không nhất thiết phải đóng cửa các trạm trung chuyển làm phát sinh hàng trăm điểm hẹn trên đường, thay vào đó chỉ cần thay đổi công năng các trạm trung chuyển này sang trạm ép kín với công nghệ xử lý mùi, nước rỉ rác bài bản.

"Mỗi trạm chỉ cần diện tích 200 m2 tiếp nhận rác từ xe thu gom, chuyển thẳng lên xe ép và vận chuyển đến các bãi xử lý, thậm chí có thể tận dụng các khu công viên cây xanh để xây dựng trạm xử lý rác âm dưới lòng đất" - ông Thuận đề xuất.


Ðể các điểm hẹn tập kết rác không còn là nỗi ám ảnh của người dân, mỗi địa phương cần lập ra một đội ngũ giám sát công tác vệ sinh môi trường tại các điểm hẹn; nếu đơn vị thu gom làm không đạt thì chế tài thật nặng".

Một cán bộ của Sở TN-MT TP HCM

(*) Xem Báo Người Lao Ðộng từ số ra ngày 15-10

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo