Doanh nghiệp
05/01/2021 16:14

Phó Tổng Cục trưởng Hà Văn Siêu: “Cần giải quyết 4 nhóm vấn đề để du lịch Việt Nam vượt qua khủng hoảng”

“Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, nhà đầu tư đã thảo luận và tổng kết thống nhất 4 nhóm vấn đề của du lịch Việt Nam trong giai đoạn trước mắt. Giải quyết 4 nhóm vấn đề này là “chìa khóa” để Việt Nam giải bài toán phát triển du lịch trong giai đoạn Covid-19” - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu nhấn mạnh.

- PV: Năm 2020 có thể được xem là dấu ấn không muốn nhớ đến của du lịch toàn cầu bởi những hệ lụy tồi tệ mà đại dịch Covid-19 gây ra. Với du lịch Việt Nam, ông có thể tổng kết ngắn gọn về một năm đầy thách thức, khó khăn này?

- Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu: Đại dịch Covid-19 ập đến khiến 2020 trở thành năm khủng hoảng lịch sử chưa từng có đối với ngành du lịch thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng. Hoạt động đi lại bị hạn chế trên phạm vi toàn cầu, các nước chủ yếu tập trung vào việc hạn chế tối đa thiệt hại chứ không trông chờ, vớt vát bằng việc đón khách quốc tế.

Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) ước tính, năm 2020, lượng khách quốc tế sẽ giảm từ 70% đến 75%, đồng nghĩa với việc du lịch toàn cầu sẽ trở lại mốc 30 năm trước. Lượng du khách giảm 1 tỉ lượt, doanh thu du lịch quốc tế giảm 1.100 tỉ USD.

Với Việt Nam, năm 2020, lượng khách quốc tế chỉ đạt 3,7 triệu, giảm hơn 80%, khách nội địa đạt 56 triệu khách, giảm 34,1%, tổng thu đạt 312.000 tỉ đồng, giảm trên 58,7% (tương đương 19 tỉ USD) so với năm 2019.

Phó Tổng Cục trưởng Hà Văn Siêu: “Cần giải quyết 4 nhóm vấn đề để du lịch Việt Nam vượt qua khủng hoảng” - Ảnh 1.

Phó Tổng Cục trưởng Hà Văn Siêu

- Tuy nhiên, nhìn ở khía cạnh tích cực, du lịch Việt Nam trong năm qua đã có những điểm sáng nào đáng ghi nhớ, thưa ông?

- Trước những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, nhà nước đã có những chính sách, biện pháp kịp thời để phần nào hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch khắc phục khó khăn do hoạt động kinh doanh bị ngưng trệ, thị trường quốc tế đóng băng. Ngoài những chính sách chung, các doanh nghiệp du lịch còn được hưởng ưu đãi về giá điện, thuế đất, phí tham quan…

Mặt khác, các cơ quan quản lý du lịch ở Trung ương và địa phương đã phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp tổ chức, triển khai thực hiện hàng loạt chương trình kích cầu du lịch nội địa ngay khi điều kiện cho phép. Đây là thành công lớn trong phối hợp liên kết công - tư trong năm qua và cần được thắt chặt, tăng cường trong năm 2021.

Có thể nói, so với mặt bằng chung của thế giới, Việt Nam đã duy trì được hình ảnh ấn tượng về một điểm đến, một đất nước an toàn phòng chống dịch. Bài hát "Ghen Cô Vy" được phát sóng ở nhiều quốc gia. Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam được World Travel Awards vinh danh là: "Điểm đến Di sản hàng đầu châu Á," "Điểm đến Văn hóa hàng đầu châu Á" và "Điểm đến Ẩm thực hàng đầu châu Á… cùng hàng loạt giải thưởng uy tín khác dành cho các điểm đến, công trình và sản phẩm du lịch của Việt Nam. Đó là một điểm sáng của du lịch Việt Nam trong năm 2020.

Phó Tổng Cục trưởng Hà Văn Siêu: “Cần giải quyết 4 nhóm vấn đề để du lịch Việt Nam vượt qua khủng hoảng” - Ảnh 2.

Cầu Vàng - Sun World Ba Na Hills

Một điểm cộng nữa là chúng ta đã có những bài học kinh nghiệm để duy trì ổn định và tiếp tục phục hồi du lịch nội địa trong bối cảnh dịch bệnh chưa được kiểm soát trên thế giới. Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, nhà đầu tư đã thảo luận và tổng kết thống nhất 4 nhóm vấn đề của du lịch Việt Nam trong giai đoạn trước mắt. Thứ nhất là tái cơ cấu lại thị trường du lịch thích ứng với bối cảnh và xu hướng mới. Thứ hai, tiếp tục tăng cường liên kết hợp tác công - tư. Thứ 3, chuyển đổi số để phát triển du lịch và thứ tư là liên kết theo chuỗi, vùng.

Giải quyết 4 nhóm vấn đề này là "chìa khóa" để Việt Nam giải bài toán phát triển du lịch trong giai đoạn Covid-19. Phát triển du lịch cũng đồng thời tạo sự lan tỏa để góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế khác, tạo ra chu kỳ tăng trưởng mới.

- Những năm gần đây, du lịch Việt Nam luôn được nhiều giải thưởng quốc tế vinh danh, số lượng và chất lượng giải thưởng năm sau luôn cao hơn năm trước. Điều này này có ý nghĩa như thế nào với du lịch Việt Nam, thưa ông?

- Nếu như trước đây du lịch Việt Nam chủ yếu được thế giới biết đến nhờ lợi thế giá rẻ, thì nay, những giải thưởng uy tín quốc tế, đặc biệt là giải WTA thế giới vốn được xem như giải "Oscar của du lịch thế giới" đã góp phần nâng tầm vị thế của du lịch Việt Nam trên trường quốc tế.

Chỉ trong vòng 5 năm trở lại đây, cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với ngành du lịch, sự vào cuộc mạnh mẽ của các nhà đầu tư chiến lược và các doanh nghiệp du lịch lớn, du lịch Việt Nam đã có bước tiến ngoạn mục. Hạ tầng du lịch từng là điểm yếu của du lịch Việt Nam, giờ đã trở thành thế mạnh, giúp Việt Nam đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách cao cấp trên thế giới. Hàng loạt công trình du lịch của Việt Nam ra đời những năm gần đây như: InterContinental Danang Sun Peninsula Resort (Đà Nẵng), JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay (Phú Quốc) hay Cầu Vàng, khu du lịch Bà Nà Hills, khu du lịch Fansipan Legend và mới nhất là Sân bay quốc tế Vân Đồn… đã lần lượt được xướng danh tại các giải thưởng uy tín hàng đầu thế giới. Số lượng và chất lượng giải thưởng cũng được nâng tầm qua từng năm.

Phó Tổng Cục trưởng Hà Văn Siêu: “Cần giải quyết 4 nhóm vấn đề để du lịch Việt Nam vượt qua khủng hoảng” - Ảnh 3.

Cảng Hàng không Quốc tế Vân Đồn

Đó thực sự là điểm sáng và cũng là niềm tự hào của du lịch Việt Nam trong một năm ảm đạm như năm 2020. Những giải thưởng này không chỉ là sự ghi nhận du lịch Việt Nam đã thăng hạng trên bản đồ du lịch thế giới, mà còn là động lực lớn để ngành du lịch vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19, tăng trưởng xa hơn trong tương lai.

- Trước những khó khăn và thách thức trước mắt, ngành du lịch đã có kế hoạch gì để hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới, thưa ông?

- Ngoài những kiến nghị tới Chính phủ về việc tiếp tục tạo điều kiện cho doanh nghiệp du lịch, chúng tôi sẽ đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, kích cầu, từ đó mang du khách quay trở lại. Có lẽ, đây là biện pháp hỗ trợ thiết thực nhất đối với doanh nghiệp trong lúc này. Bởi, hỗ trợ về thuế, tài chính chỉ là tạm thời, mang tính chất chữa cháy.

Thời gian tới, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch sẽ định hướng các nhà đầu tư, doanh nghiệp du lịch đầu tư sâu hơn vào tiềm năng văn hóa, di sản, ẩm thực của Việt Nam để khai thác và phát triển. Đây là những tài nguyên vô giá, khai thác khéo sẽ nhân lên giá trị và không có giới hạn về giá trị.

Khi đời sống được nâng lên, du khách sẵn sàng chi vài triệu đồng, thậm chí cả chục triệu đồng để xem một chương trình biểu diễn nghệ thuật hay một trận bóng đá. Hưởng thụ văn hóa dần dần trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu và là tiêu chí đánh giá chất lượng cuộc sống. Do đó, cả du lịch nội địa và du lịch quốc tế đều chuyển sang một thời kỳ mới chú trọng hơn về chất lượng và chiều sâu văn hóa.

- Xin cảm ơn ông!

Lâm An

Viết bình luận

Nghỉ lễ 30-4: Chơi cả ngày không chán tại núi Bà Đen với loạt trải nghiệm “độc nhất vô nhị”

Nghỉ lễ 30-4: Chơi cả ngày không chán tại núi Bà Đen với loạt trải nghiệm “độc nhất vô nhị”

Điểm đến hấp dẫn 15:24

Không tốn vé máy bay, khí hậu mát lạnh giữa mùa hè và có quá nhiều trải nghiệm độc đáo không giống bất cứ nơi nào, đó là lý do khiến Núi Bà Đen, Tây Ninh thành điểm đến cực hấp dẫn với người dân Nam bộ trong kỳ nghỉ lễ 30-4 năm nay.

ĐHĐCĐ MSB thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên 26.000 tỉ đồng, chia cổ tức 30%

ĐHĐCĐ MSB thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên 26.000 tỉ đồng, chia cổ tức 30%

Ngân hàng 15:23

Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (HoSE: MSB) vừa tổ chức Đại hội đồng cổ đông năm 2024 với 2 kế hoạch lớn của năm 2024 được đồng thuận là kế hoạch kinh doanh năm và phương án tăng vốn lên 26.000 tỉ đồng thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỉ lệ 30%.

Thời điểm mua nhà lý tưởng từ nguồn vốn giá rẻ?

Thời điểm mua nhà lý tưởng từ nguồn vốn giá rẻ?

Ngân hàng 15:23

Thời điểm hiện tại đang được đánh giá là thời điểm “vàng” mà những khách hàng có nhu cầu mua nhà đất cần cân nhắc khi thị trường BĐS đang bắt đầu có những dự báo phục hồi và các gói vay mua nhà của ngân hàng đang cực kỳ ưu đãi.

ACB áp dụng phí giao dịch ngoại tệ 0%-1,9% cho thẻ tín dụng quốc tế

ACB áp dụng phí giao dịch ngoại tệ 0%-1,9% cho thẻ tín dụng quốc tế

Ngân hàng 10:33

(NLĐO) - Chủ thẻ ACB Visa Infinite, ACB Privilege Signature và ACB Visa Signature khi đi nước ngoài hoặc thanh toán trực tuyến các trang web nước ngoài sẽ được hưởng mức phí giao dịch ngoại tệ chỉ từ 0% đến 1,9%.

IPPG hợp tác ACV đem Diễn đàn Trinity 2024 về TP HCM

IPPG hợp tác ACV đem Diễn đàn Trinity 2024 về TP HCM

Doanh nghiệp 10:31

Việc quyết định đăng cai tổ chức sự kiện diễn đàn Trinity 2024 tại TP HCM là một trong những bước đi quan trọng trong kế hoạch phát triển về thương mại bán lẻ hàng không và du lịch của IPPG

Mang Yang – Gia Lai hội đủ yếu tố để trở thành “thiên đường bò sữa” Việt Nam

Mang Yang – Gia Lai hội đủ yếu tố để trở thành “thiên đường bò sữa” Việt Nam

Thị trường 09:28

Nằm ở độ cao gần 800m so với mực nước biển với các điều kiện tự nhiên như quỹ đất lớn, đất – nước – không khí sạch, thời tiết mát mẻ quanh năm, Mang Yang – Gia Lai hội đủ yếu tố để trở thành “thiên đường bò sữa”.

VietinBank đạt 2 Giải thưởng Sao Khuê năm 2024

VietinBank đạt 2 Giải thưởng Sao Khuê năm 2024

Doanh nghiệp 18:03

Ngày 13-4-2024, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) đã tổ chức Lễ trao Giải thưởng Sao Khuê năm 2024 tại Hà Nội. VietinBank đã xuất sắc đạt 2 giải thưởng.